Có nhiều bạn kế toán trưởng than là bị công việc cuốn do chạy theo các yêu cầu của sếp. Như một lẽ hiển nhiên, những yêu cầu của sếp luôn được xếp vào: Gấp, quan trọng, ưu tiên. Cái lý thuyết quản lý thời gian rất nổi tiếng nào đó đang không giúp được bạn.
Có một cách tôi chia sẻ ở đây các bạn thử áp dụng nhé.
Mỗi một việc sếp giao bạn xem đó là 1 mục tiêu.
Bạn liệt kê tất cả các mục tiêu đó vào một cuốn sổ tay.
Song song đó bạn nhất thiết phải vẽ được bản đồ mục tiêu của phòng ban mình trong ngắn hạn, trong đó cho thấy mục tiêu nào của phòng ban giúp đạt được mục tiêu nào của công ty. Trong bản đồ đó bạn đặt mục tiêu của sếp sao cho sếp thấy nó nằm ở đâu trong mục tiêu của phòng ban mình và ở đâu trong mục tiêu cuối cùng của công ty.
Tiếp theo bạn đề xuất mục tiêu nào nên được hoàn thành trước. Cách xác định tôi gợi ý như sau :
Nếu không xong mục tiêu này không thể hoàn thành những mục tiêu còn lại.
Nếu không xong mục tiêu này trước tổn thất nhiều tiền nhất.
Nếu xong mục tiêu này trước sẽ đạt được hiệu quả cao nhất.
Nếu hoàn thành mục tiêu này sẽ giúp hoàn thành mục tiêu khác một cách nhiều nhất.
Kể cả khi bạn quét cái nhà việc đầu tiên bạn cần nên làm là bạn cần biết quét ở đâu trước, quét ở đâu sau. Bàn ghế tủ bạn nên lau trước rồi hãy quét nhà. Quét nhà để sau đó lau nhà tốt hơn là lau nhà mà trước đó không quét nhà…
Sự quan sát và thói quen suy nghĩ xuyên suốt, thấu đáo và trọn vẹn cả một quá trình trên mỗi công việc sẽ giúp bạn kỹ năng để làm tốt việc này.
Dựa trên những hiện trạng, đặc biệt là 2 yếu tố chính : Con người và công cụ bạn đang có, bạn xác định các vấn đề và giải pháp.
Sau khi thống nhất với sếp những mục tiêu ưu tiên, các giải pháp liên quan, bạn triển khai ra thành các hành động cụ thể và sắp xếp các hành động ưu tiên trước sau, bảng phân công và timeline rõ ràng. Lúc này kiến thức về quy trình làm việc sẽ giúp bạn hoàn thành việc này một cách dễ dàng.
Bảng kế hoạch hành động và timeline rõ ràng sẽ giúp bạn dễ dàng thương lượng với sếp việc nào làm trước việc nào làm sau. Bằng cách này sếp sẽ đồng ý thay đổi các yêu cầu trước đó theo hướng hợp lý hơn.
Một chủ DN từng nói với tôi rằng họ bị rối là do họ nói gì nhân viên cứ cắm cúi làm theo mà không hề có một phản hồi nào như :
Mình nên làm việc này trước
Thay vì làm việc đó mình nên làm việc này.
…
Người ta hay nói làm quản lý cần tư duy hệ thống. Bạn đừng nghĩ chỉ có sếp mới cần. Bạn cũng cần có và nó giúp cả bạn và sếp của bạn không bị lòng vòng trong những rối rắm.
Chúc các bạn thành công!
#TACA #Kế_toán_trưởng_thực_thụ
Nguồn tham khảo: Nguyễn Hạnh Trang