Chi phí lãi vay đối với những doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Nội dung chính
Giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Để nắm rõ được các quy định về chi phí lãi vay của những doanh nghiệp có giao dịch liên kết cũng như biết cách tính, phương pháp kê khai phụ lục giao dịch liên kết trên Hỗ trợ kê khai thuế. Hãy cùng Học viện TACA tìm hiểu về chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết thông qua bài viết dưới đây.
I. Chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết quy định như thế nào?
1. Đối với các doanh nghiệp vay vốn doanh nghiệp khác hoặc ngân hàng
Doanh nghiệp thuộc trường hợp có giao dịch liên kết phải đáp ưng 02 điều kiện sau:
Trong một năm, đơn vị này vay của tổ chức tín dụng hoặc của đơn vị khác với khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn chủ sở hữu.
Khoản vay phía trên phải chiếm trên 50% so với tổng giá trị của các khoản nợ dài hạn và trung hạn của đơn vị này.
Nếu giao dịch phát sinh chỉ đáp ứng 1 trong 2 trường hợp thì không phải giao dịch liên kết;
Việc xác định vốn vay có chiếm ít nhất bằng 25% vốn chủ sở hữu của đơn vị đó hay không dựa vào số liệu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đó tại thời điểm phát sinh khoản vay;
Các khoản nợ trung và dài hạn là các khoản nợ (bao gồm cả khoản vay dài hạn) có thời hạn thanh toán từ 12 tháng trở lên hoặc trên 1 chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường và được xác định tại thời điểm lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp;
Nếu đơn vị đang vay tiền từ nhiều công ty hoặc ngân hàng khác nhau, tổng số tiền vay chiếm 25% vốn chủ sở hữu, nhưng xét theo mỗi ngân hàng hoặc công ty khác nhau thì không đủ điều kiện, trường hợp này cũng không gọi là giao dịch liên kết.
2. Đối với Doanh nghiệp phát sinh vay vốn của cá nhân
Trường hợp Doanh nghiệp trong năm đó có phát sinh vay vốn của các cá nhân điều hành hoặc kiểm soát Doanh nghiệp (có thể kể đến như chủ sở hữu, giám đốc, cá nhận khác) với giá trị ít nhất bằng 10% vốn chủ sở hữu tại thời điểm giao dịch diễn ra. Giao dịch này sẽ được tính là giap dịch liên kết.
Trường hợp Doanh nghiệp trong năm đó có phát sinh vay tiền của cá nhân kiểm soát hoặc điều hành Doanh nghiệp với giá trị lớn hơn 10% vốn góp nhưng trả lại vào thời điểm cuối năm thì giao dịch được gọi là giao dịch liên kết.
Trường hợp Doanh nghiệp vay tiền không lãi suất với cá nhận điều hành Doanh nghiệp (hình thức mượn tiền) nhưng có giá trị ít nhất bằng 10% vốn chủ sở hữu thì cũng được xác định là giao dịch liên kết.
II. Hướng dẫn Doanh nghiệp cách tính các chi phí lãi vay được trừ và không được trừ trong kỳ
Theo khoản 3, Điều 16 của Nghị định 132/2020/NĐ-CP thì đối với đơn vị có giao dịch liên kết, chi phí lãi vay được cấn trừ khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập Doanh nghiệp như sau:
Tổng chi phí của lãi vay của Doanh nghiệp (sau khi đã trừ lãi tiền gửi và lãi tiền cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ sau khi xác định thu nhập chịu thuế Thu nhập Doanh nghiệp) không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ kết quả kinh doanh trong kỳ đó cộng với chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi tiền cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp (EBITDA);
Ngoài ra, đối với chi phí lãi vay không được trừ của Doanh nghiệp sẽ được chuyển sang kỳ tiếp theo trong trường hợp lãi vay phát sinh trong kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn quy định ở trên. Kể từ năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ thì thời gian chuyển chi phí lãi vay liên tục không được vượt quá 5 năm.
Công thức:
Tổng chi phí lãi vay được trừ – Lãi tiền gửi / Lãi cho vay ≤ 30% * EBITDA
Trong đó: EBITDA = Tổng lợi nhuận thuần + Lãi tiền vay – Lãi tiền gửi / Lãi cho vay + Chi phí khấu hao
Ví dụ: Trong năm 2022, công ty A được xác định có giao dịch liên kết với các thông tin sau:
Doanh thu: 25.000 triệu đồng
Giá vốn: 15.000 triệu đồng
Chi phí bán hàng: 2.000 triệu đồng
Chi phí hoạt động kinh doanh: tổng 6.975 triệu đồng (bao gồm chi phí khấu hao: 1.100.000 đồng)
Chi phí hoạt động tài chính: 1.300 triệu đồng (trong đó chi phí lãi vay: 950 triệu đồng)
Doanh thu hoạt động tài chính: 25 triệu đồng (trong đó lãi tiền gửi: 14 triệu đồng)
Theo dõi bảng sau đây để nắm được cách tính chi phí lãi vay được trừ và không được trừ.
Chỉ tiêu
Giá trị
(ĐVT: triệu đồng)
Doanh thu (1)
25.000
Giá vốn hàng bán (2)
15.000
Chi phí bán hàng (3)
2.000
Chi phí của Doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh (4)
6.975
Chi phí khấu hao (5)
1.100
Doanh thu hoạt động tài chính của Doanh nghiệp (6)
Trong đó: Lãi tiền gửi và lãi cho vay của Doanh nghiệp (7)
25
14
Chi phí của hoạt động tài chính (8)
Trong đó: Chi phí lãi vay (9)
1.300
950
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (10) = (1 + 6 – 2 – 3 – 4 – 8)
– 250
EBITDA (11) = (10 + 9 + 5 – 7)
1.786
Tổng chi phí lãi vay được trừ trong kỳ (12) = (11) x 30% + (7)
549.8
Chi phí lãi vay sẽ được chuyển sang kỳ sau: (9) – (12)
400.2
III. Hướng dẫn Doanh nghiệp kê khai chi phí lãi vay trong các giao dịch liên kết.
Theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP, một doanh nghiệp được xác định có giao dịch liên kết trong năm thì khi quyết toán thuế TNDN phải kê khai thêm phụ lục theo Nghị định, cụ thể:
Phụ lục 1: Giao dịch liên kết Nghị định 132 phụ lục 01: Thông tin các bên liên kết và xác định giá giao dịch liên kết;
Phụ lục 02.03.04: Cung cấp các hồ sơ của Doanh nghiệp để xác định giá.
Dưới đây là hướng dẫn cho Doanh nghiệp lập phụ lục 01 nếu trong kỳ có giao dịch liên kết và có chi phí lãi vay.
Khi làm quyết toán thuế Thu nhập Doanh nghiệp ở Hỗ trợ kê khai chọn thêm phụ lục GDLK NĐ132_01:
Hãy điền đầy đủ thông tin của các bên liên kết, quốc gia, mã số thuế Doanh nghiệp và các hình thức quan hệ liên kết;
Nếu trong kỳ, Doanh nghiệp có quan hệ liên kết với nhiều bên thì bắt buộc phải thêm dòng để điền tất cả thông tin các bên liên kết;
Trường hợp là vay của các doanh nghiệp, ngân hàng thì hãy chọn vào mục D, còn trường hợp vay của cá nhân là người điều hành hoặc kiểm soát hoạt động công ty như giám đốc, chủ sở hữu thì chọn vào mục L;
Các trường hợp khác thì Doanh nghiệp căn cứ vào từng mục ở khoản 2, Điều 5 Nghị định 132/2020/NĐ-CP để xác định quan hệ liên kết phù hợp.
htkk 4.7.1
Đối với trường hợp được miễn nghĩa vụ kê khai, miễn trừ nộp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết thì Doanh nghiệp cần lưu ý:
Nếu như doanh nghiệp chỉ phát sinh khoản vay với bên liên kết là đối tượng phải nộp thuế TNDN tại Việt Nam với cùng một mức thuế suất và không có doanh nghiệp nào được hưởng thuế ưu đãi trong kỳ thì hãy chọn vào mục 1. Sau khi chọn vào mục 1 này thì mục III và IV sẽ tự động mất, như vậy nghĩa là bạn đã hoàn thành phụ lục 01.
Nếu doanh nghiệp có phát sinh doanh thu của kỳ tính thuế với tổng giá trị dưới 50 tỷ đồng và tổng các giao dịch liên kết dưới 30 tỷ đồng thì nhấp chọn mục 2a.
Nếu doanh nghiệp đã có ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp báo cáo thường niên theo quy định pháp luật thì hãy chọn mục 2b.
Hãy chọn mục 2c nếu doanh nghiệp là đơn vị kinh doanh đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí khai thác hay chi phí sử dụng tài sản vô hình, thu nhập doanh nghiệp dưới 200 tỷ đồng, sử dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế TNDN trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực: Phân phối (tỷ suất 5% trở lên), sản xuất (tỷ suất 10% trở lên), gia công (tỷ suất 15% trở lên). Theo ví dụ ở mục III, Doanh nghiệp sẽ nhấp chọn mục 2a, mục III tiếp theo sẽ được để trống và Doanh nghiệp qua mục IV để kê khai chi phí lãi vay.
Tiếp theo trong mục IV, Doanh nghiệp sẽ làm phần 1. Dành cho doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ:
Ví dụ: Theo ví dụ ở mục III, bạn sẽ điền các thông tin vào bảng như sau:
Do Doanh nghiệp chỉ phát sinh trong khoản doanh thu với các bên độc lập nên trong bảng kết quả hoạt động kinh doanh chỉ cần kê khai tại cột 6;
STT từ (1) tới (11): Ghi theo số liệu của báo cáo tài chính và số liệu tính được chi phí lãi vay được trừ và không được trừ:
Doanh thu: 25.000.000.000 đồng
Các khoản giảm trừ: 0 đồng
Doanh thu thuần: 25.000.000.000 đồng
Giá vốn: 15.000.000.000 đồng
Lợi nhuận gộp: 10.000.000.000 đồng
Chi phí bán hàng: 2.000.000.000 đồng
Chi phí quản lý doanh nghiệp: tổng 6.975.000.000 đồng
Doanh thu tài chính: 25.000.000 đồng
(8.1) Trong đó: Lãi tiền gửi: 14.000.000 đồng
Chi phi tài chính: 1.300.000.000 đồng.
(9.1) Trong đó chi phí lãi vay: 950.000.000 đồng.
(9.1.a) Phần chi phí lãi vay được trừ: 549.800.000 đồng.
(9.1.b) Phần chi phí lãi vay không được trừ: 400.200.000 đồng.
Chi phí khấu hao: 1.100.000.000 đồng
Lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh: 250.000.000 đồng
STT (12): Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí hoạt động tài chính: (11) – (8) + (9) = 1.025.000.000 đồng;
STT (13): Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay cộng khấu hao: (11) + (9.1) – (8.1) + (10) = 1.786.000.000 đồng;
STT (14): Tỷ lệ lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ tính trên tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi tiền cho vay trong kỳ cộng với phần chi phí khấu hao. [(9.1) – (8.1)] / (13) = 52.408%
STT(15): Là chi phí lãi vay của các kỳ trước không được trừ đủ điều kiện chuyển sang kỳ tính thuế năm nay (nếu có). Nếu năm nay là năm 2021 thì:
(15.1) Chi phí lãi vay không được trừ năm 2020 được chuyển sang kỳ tính thuế năm nay;
(15.2) Chi phí lãi vay không được trừ năm 2019 được chuyển sang kỳ tính thuế năm nay;
(15.3) Chi phí lãi vay không được trừ năm 2018 được chuyển sang kỳ tính thuế năm nay;
(15.4) Chi phí lãi vay không được trừ năm 2017 được chuyển sang kỳ tính thuế năm nay;
(15.5) Chi phí lãi vay không được trừ năm 2016 được chuyển sang kỳ tính thuế năm nay.
STT (16) sẽ bằng [(9.10 – (8.1) + (15)] / (13)
Bài viết trên Học viện TACAvừa cung cấp thông tin về giao dịch liên kết cũng như hướng dẫn cách tính chi phí lãi vay giao dịch liên kết, đồng thời hướng dẫn kê khai các giao dịch liên kết phát sinh. Hy vọng với những chia sẻ bổ ích này sẽ giúp Doanh nghiệp có thể hiểu, nắm rõ thông tin hơn và thuận tiện trong quá trình kinh doanh của công ty mình.